Khớp lệnh thỏa thuận

Giao dịch thỏa thuận chứng khoán là gì?

Giao dịch thỏa thuận chứng khoán là những giao dịch diễn ra giữa các nhà đầu tư chứng khoán. Trong giao dịch này, các nhà đầu tư sẽ tự thoả thuận với nhau về giá cả và khối lượng cổ phiếu mà họ dự định mua/bán cho nhà đầu tư còn lại sau đó thông báo cho công ty chứng khoán của hai bên được biết.

Lúc này công ty chứng khoán sẽ tiến hành nhập lệnh giao dịch vào hệ thống và hoàn thành giao dịch thỏa thuận giữa hai bên. Vào thời điểm cuối phiên, các nhà đầu tư có thể xem lại kết quả giao dịch thông qua bảng giá chứng khoán cơ sở của Sở giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, giá giao dịch thỏa thuận giữa các nhà đầu tư bắt buộc phải nằm trong biên độ dao động giá của ngày giao dịch đó.

Đặc điểm của giao dịch thỏa thuận

Khối lượng giao dịch thường rất lớn

Hiện nay, hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán đều có quy định chi tiết và cụ thể về khối lượng tối thiểu cho giao dịch thỏa thuận của các nhà đầu tư. Theo đó đối với sàn HNX, các nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện giao dịch thỏa thuận từ 5000 cổ phiếu trở lên. Trong khi với sàn HOSE, con số này tăng lên gấp 4 lần và rơi vào khoảng 20.000 cổ phiếu.

Như vậy có thể thấy khác với các giao dịch chứng khoán thông thường, khối lượng chứng khoán trong giao dịch thỏa thuận thường là rất lớn. Do đó, khi thực hiện các giao dịch này, nhà đầu tư cần phải hết sức tỉnh táo, thận trọng và có sự tính toán chính xác, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Khối lượng giao dịch là lô chẵn

Đây là một trong những quy định bắt buộc đối với các nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch thỏa thuận trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, kể từ đầu năm 2021, lô giao dịch chứng khoán của tất cả các sàn giao dịch sẽ được đồng bộ là 100 đơn vị. Điều đó có nghĩa là, số lượng chứng khoán tối thiểu cho một lần đặt lệnh của nhà đầu tư phải là 100 chứng khoán hoặc là bội số của 100. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch của một lệnh đặt là 500.000 chứng khoán/chứng chỉ quỹ.

Giá khớp lệnh phải nằm trong biên độ dao động giá của ngày giao dịch đó

Mặc dù giá của giao dịch thỏa thuận sẽ do chính các nhà đầu tư tự thỏa thuận và thống nhất với nhau. Tuy nhiên, giá của giao dịch này bắt buộc phải nằm trong biên độ dao động giá của ngày giao dịch hôm đó (không được vượt quá 7% hoặc 10% tùy vào quy định của từng sàn giao dịch khác nhau).

Quy định này sẽ giúp cho Sở giao dịch chứng khoán dễ dàng kiểm soát cũng như hạn chế tình trạng “lũng đoạn” giá do giá giao dịch thỏa thuận quá thấp hoặc hoặc quá cao so với giá thị trường.

Giá trị giao dịch thỏa thuận không được sử dụng để tính toán các chỉ số như VN-Index, HNX-Index, UPCoM-Index

VN-Index, HNX-Index, UPCoM-Index là những chỉ số được dùng để thể hiện mức độ biến động giá của chứng khoán trên thị trường. Thông thường các chỉ số này sẽ do Sở giao dịch chứng khoán định ra dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như mệnh giá, số lượng cổ phiếu niêm yết, giá đóng cửa, giá trị vốn hóa công ty,...

Tuy nhiên, do giao dịch thỏa thuận chủ yếu dựa trên sự thương lượng và thoả thuận giữa bên bán và bên mua nên giá trị của giao dịch này sẽ không được sử dụng để tính toán các chỉ số trên.

Các cách giao dịch thỏa thuận

Có 2 cách để các nhà đầu tư thực hiện giao dịch thoả thuận chứng khoán trên thị trường. Và dù thực hiện bằng cách nào thì nhà đầu tư cũng phải tuân thủ đúng quy trình của giao dịch thỏa thuận.

Nhà đầu tư tự tìm đối tác

  1. Bước 1: Nhà đầu tư xác định đối tác có nhu cầu thực hiện giao dịch thỏa thuận chứng khoán.
  2. Bước 2: Hai bên sẽ tiến hành thỏa thuận về giá, khối lượng cổ phiếu và hình thức thanh toán.
  3. Bước 3: Sau khi đã đạt được thỏa thuận, các nhà đầu tư sẽ thông báo cho công ty chứng khoán của hai bên để họ thực hiện việc nhập lệnh vào hệ thống và hoàn thành giao dịch.

Công ty chứng khoán tìm đối tác cho nhà đầu tư

  1. Bước 1: Liên hệ với công ty chứng khoán để được nhập lệnh chào mua/ bán.
  2. Bước 2: Công ty chứng khoán sẽ tiến hành nhập lệnh vào hệ thống, đồng thời tìm kiếm đối tác phù hợp dựa trên các thông tin chào mua/chào bán của nhà đầu tư.
  3. Bước 3: Sau khi đã tìm được đối tác và đạt được thỏa thuận, công ty sẽ đại diện cho nhà đầu tư đứng ra thực hiện giao dịch thỏa thuận chứng khoán.

Lưu ý: Nếu công ty chứng khoán nhập sai lệnh thỏa thuận thì nhà đầu tư được phép chỉnh sửa nhưng phải xuất trình lệnh gốc và được bên phía đối tác, Sở Giao dịch chứng khoán chấp thuận.

Lưu ý khi giao dịch thỏa thuận chứng khoán

  • Cần lưu ý đến hạn mức giao dịch để không vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán.
  • Lệnh giao dịch thỏa thuận chứng khoán chỉ có hiệu lực trong ngày và nhà đầu tư một khi đã đặt lệnh thì không được hủy. Do đó nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng khi thực hiện các giao dịch thỏa thuận để tránh mắc sai lầm và gây thiệt hại cho bản thân.
  • Không được phép giao dịch thỏa thuận cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong ngày đầu tiên nó được niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán.

Trên đây là những thông tin chi tiết giúp giải đáp cho câu hỏi giao dịch thỏa thuận chứng khoán là gì. Để cập nhật thêm các thông tin mới nhất về thị trường chứng khoán, bạn có thể truy cập ngay vào website: https://.vn/ hoặc tải ngay ứng dụng hoàn toàn miễn phí!

(*) Lưu ý: Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn tin cậy, có giá trị tham khảo cho người tra cứu. Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro do sử dụng nội dung này.